Trong công cuộc chuyển đổi số, việc ứng dụng chữ ký số, đặc biệt, là chữ ký số cá nhân đang dần trở thành một yếu tố bắt buộc, không thể tách rời trong các hoạt động của một xã hội phát triển.
Chữ ký số (CKS) đã phát huy rõ những hiệu quả, lợi ích to lớn là giúp: Đảm bảo tính xác thực, an toàn, toàn vẹn thông tin, các giao dịch điện tử; Hỗ trợ hiệu quả cho quá trình cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); giảm thiểu chi phí, thời gian các giao dịch; thuận tiện trong công tác xử lý, lưu trữ hồ sơ...
Đặc biệt, thời gian qua, CKS đã được ứng dụng trong các lĩnh vực chính như: thuế, hải quan, nông nghiệp, chứng khoán, kho bạc, bảo hiểm, tài chính, đấu thầu,… và các đơn vị khi sử dụng loại hình công cụ số này, đã đạt được những kết quả thiết thực, to lớn.
Ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống thuế, trong đó có hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax). Nhờ có hệ thống này, đến nay có đến 99% các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử.
Cùng với đó, ngành Thuế còn triển khai hệ thống hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc; sử dụng hệ thống điện tử để kết nối trao đổi thông tin với các bộ, ngành, các đơn vị, tổ chức bên ngoài nhằm mục tiêu xã hội hóa các dịch vụ về thuế bằng phương thức điện tử... Và việc số hóa toàn diện công tác quản lý thuế đã góp phần giảm đáng kể các TTHC thuế hiện nay…
Trong khi đó, ngành Hải quan đã ứng dụng, sử dụng CKS thông qua hệ thống dịch vụ Hải quan điện tử trên một chương trình duy nhất, giúp tự động sao lưu dữ liệu (backup) và tái sinh cấu trúc khi bị virus tấn công; tự động cấu hình địa chỉ kết nối với đơn vị Hải quan làm thủ tục; tự động dò đường ra Internet trong mạng với người dùng (proxy); tích hợp dịch vụ chứng thực CKS cho các thủ tục hải quan điện tử; tra cứu nợ thuế hải quan ngay trên phần mềm; trình ký từ xa mà chỉ cần nhập mã pin token 1 lần; không giới hạn số lượng tờ khai khi ký…
Và mục tiêu phát triển của ngành Hải quan trong những năm tới tiếp tục đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như cho người dân, doanh nghiệp. Hải quan coi trọng việc CĐS là động lực trong xây dựng hải quan số, thông minh, chính quy, hiện đại, ngang tầm Hải quan các nước phát triển trên thế giới.
Ngành Nông nghiệp cũng đã tích cực ứng dụng dịch vụ CKS cho người dân, giúp người dân có thể ký hợp đồng điện tử dễ dàng từ xa nhưng vẫn đảm bảo giá trị pháp lý có khả năng bảo mật, an toàn cho các giao dịch một cách nhanh chóng, thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi.
Việc sử dụng CKS được thực hiện trên môi trường điện tử và chỉ cần thiết bị kết nối Internet như laptop, máy tính bảng, smartphone... là đã góp phần hoàn thiện “bức tranh” CĐS cho ngành Nông nghiệp. Đây cũng là chủ trương mà Chính phủ đang thúc đẩy với mục tiêu đến năm 2025, 50% dân số trưởng thành CKS hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 con số này là hơn 70%.
Cũng như các ngành trên, ứng dụng CKS trong lĩnh vực Chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành các quy chế liên quan đến việc vận hành các hệ thống phần mềm nội bộ ngành Chứng khoán, các hệ thống phần mềm dùng cho các đối tượng bên ngoài thực hiện báo cáo và công bố thông tin cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bao gồm các quy định liên quan đến việc sử dụng CKS.
Đặc biệt, đến nay đối với các hồ sơ trực tuyến gửi trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) ở mức độ 3, 4 đã được yêu cầu DN khi nộp hồ sơ phải sử dụng CKS đối với các tập tin như văn bản, báo cáo, tài liệu,… trước khi gửi lên hệ thống. Điều này giúp đảm bảo tính pháp lý của văn bản. Hơn nữa, việc ứng dụng CKS trong các DVCTT đã đảm bảo tính xác thực của hồ sơ, giúp công tác lưu trữ hồ sơ, dữ liệu khoa học hiệu quả, nhanh chóng dễ đối chiếu, tra cứu dữ liệu.
Kho bạc Nhà nước (KBNN) cũng áp dụng, sử dụng CKS đối với các DVCTT, giúp minh bạch thông tin, nâng cao tính xác thực thông tin, loại bỏ, chống gian lận, giả mạo trong khâu ký, kiểm soát hồ sơ, chứng từ thanh toán. Chính điều này đã góp phần giảm thiểu TTHC và hiện đại hóa hoạt động của các đơn vị khi chuyển đổi sang hình thức giao dịch điện tử sử dụng DVCTT 24/7 tại bất kỳ mọi thời điểm, vị trí, khoảng cách xa, gần.
Hơn nữa, việc sử dụng CKS trong DVCTT của KBNN đã nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của KBNN, tăng cường minh bạch, giảm tiêu cực. Đã có 100% đơn vị sử dụng ngân sách tham gia DVCTT của KBNN và trên 99% giao dịch kiểm soát chi NSNN đã thực hiện qua DVCTT.
Như vậy, có thể nói, trong quá trình xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, CKS ngày càng phát huy vai trò quan trọng để đạt các mục tiêu phát triển, hơn nữa đây chính là mô hình số phù hợp với xu thế số phát triển. Và quan trọng hơn, các giá trị niểm tin sẽ luôn được tạo ra, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý điều hành và góp phần tích cực trong việc cải cách TTHC./.