Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024.
Phát biểu tại Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, tình hình kinh tế xã hội vừa trải qua thời gian khó khăn trong 6 tháng đầu năm. Riêng ngành Xây dựng đã phải đối mặt với sự sụt giảm ở hầu hết các phân khúc thị trường xây dựng trong 6 tháng đầu năm.
Thị trường bất động sản đình đốn do nguồn cung hết sức hạn chế ở hầu hết các loại hình bất động sản. Số lượng các dự án mở bán rất ít, trong đó số lượng dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai trong 6 tháng đầu năm chỉ có 30 dự án với hơn 4.500 căn hộ, chỉ bằng khoảng 37,5% so với 06 tháng cuối năm 2022...
Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội cả nước và ngành Xây dựng đã có sự chuyển biến tích cực trong những tháng gần đây. Các dự án bất động sản đã và đang được tháo gỡ sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, thúc đẩy thị trường trong thời gian tới. Dự báo thị trường bất động sản sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024, đồng thời sẽ kéo theo nhu cầu của thị trường vật liệu xây dựng, thị trường lao động.
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ ấm dần lên trong các tháng cuối năm và có sự phát triển trở lại trong năm 2024.
Trong bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 2/2023, Bộ Xây dựng cho biết, lượng tìm mua bất động sản toàn quốc tính đến hết quý 2/2023 giảm khoảng 33% so với cùng kỳ năm trước, lượng tin đăng bán bất động sản cũng giảm khoảng 44% (lượng quan tâm tìm mua đất nền giảm gần 50% so với cùng kỳ năm 2022).
Tình hình giao dịch trong quý trầm lắng do niềm tin của người mua, nhà đầu tư bị ảnh hưởng và những khó khăn về hạn mức tín dụng, lãi suất vay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong quý 2/2023, mặc dù cũng có những tín hiệu tích cực về cơ chế chính sách, lãi suất ngân hàng đang trong xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn nhiều dự án bất động sản đang phải tạm dừng do vướng mắc liên quan đến quy định pháp lý, liên quan đến điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng và biến động nguyên vật liệu…Ngoài ra, các dự án còn gặp khó về hạn chế vốn tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.
Do vậy, lượng tồn kho được đánh giá tiếp tục tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ, đất nền của các dự án và căn hộ nghỉ dưỡng của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà ở và nghỉ dưỡng, giá trị tồn kho bất động sản hiện nay lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng giới đầu tư kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ khởi sắc hơn vào cuối năm 2023, khi những khó khăn vướng mắc về chính sách pháp lý và nguồn vốn dần được tháo gỡ.
Đến nay, Ngân hàng Nhà nước giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 0,5 - 2,0%/năm. Mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm, hứa hẹn người dân và các doanh nghiệp bất động sản có khả năng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn.
Về phía doanh nghiệp, Công ty chứng khoán VnDirect cho biết, có những dấu hiệu tích cực từ các doanh nghiệp chủ động mua lại trước hạn các khoản trái phiếu doanh nghiệp giá trị 12.561 tỷ đồng, giúp giá trị trái phiếu đáo hạn trong nửa cuối 2023 và 2024 giảm lần lượt 12% và 10% so với trước khi mua lại. Qua đó giảm áp lực đáo hạn trái phiếu dù, áp lực vẫn ở mức cao, đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền.
6 tháng qua, rủi ro mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp bất động sản đã giảm nhẹ khi các doanh nghiệp thực hiện gia hạn thời gian đáo hạn trái phiếu và kéo giãn nợ ngân hàng theo Nghị định số 08/2023/NĐ-CP và Nghị quyết số 33/2023/NQ-CP. Tuy nhiên, vấn đề thanh khoản doanh nghiệp BĐS vẫn là vấn đề đáng lo ngại khi nhiều doanh nghiệp vẫn chậm trả lãi và gốc trái phiếu do những khó khăn ở các kênh tái cấp vốn cùng với việc doanh số ký bán giảm mạnh bởi tâm lý thị trường.