Hội thảo Việt - Hàn về Đô thị thông minh

Ngày 22/3/2018, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) cùng Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Việt Nam - Hàn Quốc về Đô thị thông minh. Tham dự Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng MOLIT Kim Hyun Mee, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk, đại diện lãnh đạo các Cục, Viện thuộc hai Bộ. Hội thảo còn có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức đến từ Hàn Quốc và Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao ý tưởng, nỗ lực của các bên trong việc phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo quan trọng và nhiều ý nghĩa đối với cả hai nước Việt - Hàn. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, các cuộc cách mạng về khoa học - công nghệ, quản lý đã và đang tác động mạnh mẽ tới khu vực đô thị, khu vực chiếm tỷ trọng chi phối trong sự phát triển của mỗi quốc gia theo xu hướng phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) và đã trở thành một vấn đề quan trọng thu hút sự quan tâm của nhiều nước, trong đó có Hàn Quốc và Việt Nam.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết, trong thời gian vừa qua, ở Việt Nam, Chính phủ đã chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp để phát triển bền vững và hiệu quả, trong đó có phát triển hệ thống công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng. Một số đô thị lớn ở Việt Nam đã và đang triển khai nghiên cứu xây dựng đề án phát triển ĐTTM, như các thành phố: Đà Nẵng, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Quảng Ninh. Theo nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ Xây dựng hiện  đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương để nghiên cứu xây dựng đề án Phát triển ĐTTM, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền và các chủ thể khác trong phát triển ĐTTM, bảo đảm sự thống nhất, sử dụng hiệu quả nguồn lực.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng MOLIT Kim Hyun Mee cho biết, Hàn Quốc đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển đô thị hướng tới mục tiêu phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, và đã đạt được nhiều kết quả thực tiễn rất quan trọng. Nhiều ứng dụng ĐTTM như quy hoạch ĐTTM, giao thông thông minh, quản lý dân cư thông minh, quản lý môi trường thông minh v.v. đã được triển khai áp dụng rộng rãi. Hàn Quốc cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới đã ban hành đạo Luật riêng về ĐTTM.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao những kinh nghiệm quản lý và các bài học thực tiễn  về đầu tư xây dựng phát triển ĐTTM tại Hàn Quốc và cho rằng những kinh nghiệm đó có giá trị tham khảo rất quan trọng đối với việc định hướng và thực hiện phát triển ĐTTM ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Chương trình hợp tác giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, hạ tầng và giao thông Hàn Quốc.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện phía Việt Nam và Hàn Quốc trình bày về Chính sách và quá trình phát triển ĐTTM; Cơ sở hạ tầng và công nghệ xây dựng ĐTTM ở hai nước cũng như kinh nghiệm quốc tế ứng dụng ĐTTM ở một số nước trong các lĩnh vực Chính phủ điện tử, giao thông và năng lượng…


Các đại biểu dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Các tham luận và ý kiến hỏi - đáp tại Hội thảo tập trung xoay quanh ba nội dung cơ bản, đó là: quy hoạch xây dựng ĐTTM, quản lý ĐTTM và cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị. Đa phần các ý kiến đều nhấn mạnh vấn đề quan trọng là phải có một hệ thống giải pháp phát triển ĐTTM một cách cụ thể, đầy đủ, bao gồm cả các ứng dụng công nghệ thông tin, để phát triển ĐTTM trước những yêu cầu và thách thức của đô thị hóa hiện đại, hướng tới sự phát triển đô thị tăng trưởng xanh và bền vững.

Các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý đều thống nhất cho rằng, xây dựng ĐTTM ở Việt Nam phải phù hợp với quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị Việt Nam và Chương trình phát triển đô thị quốc gia. Với đặc thù có tính liên kết đa ngành cao, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lĩnh vực có liên quan như xây dựng, công nghệ thông tin, nội vụ, tài nguyên môi trường, giao thông…, nhiệm vụ phát triển ĐTTM ở Việt Nam đòi hỏi cần có một sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy và phương pháp tổ chức triển khai thực hiện. Mặt khác, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra với tốc độ khá cao trong khu vực. Quá trình đô thị hóa đã đóng góp một phần quan trọng trong thành công phát triển kinh tế - xã hội của đất nước những năm vừa qua, đồng thời quá trình này cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bao gồm: chất lượng tăng trưởng chưa cao, sự thiếu đồng bộ của hệ thống hạ tầng đô thị, đầu tư phát triển dàn trải, năng lực chống chịu và ứng phó BĐKH còn hạn chế, năng lực quản lý đô thị chưa hiệu quả. Do vậy, đầu tư phát triển ĐTTM ở Việt Nam cần nghiêm túc xem xét các tồn tại, thách thức này.


                                                                                   Theo thông tin Bộ Xây dựng