Đầu tư xây dựng công trình đường giao thông đô thị trên địa bàn thành phố Phan Rang –Tháp Chàm theo hình thức hợp đồng BT
Với mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm phục vụ phát triển kinh tế của tỉnh và chất lượng cuộc sống cư dân đô thị, vừa qua Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý chủ trương đầu tư 06 dự án giao thông trên địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao). Với hình thức huy động nguồn vốn như trên, nhiều tuyến đường trọng điểm của tỉnh sẽ được đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng, góp phần hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.
Tuyến nối từ đường Yên Ninh ra biển dài 417m và hệ thống vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật do công ty TNHH Thương mại và xây dựng Sơn Long Thuận đầu tư với tổng kinh phí thực hiện trên 41 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư nhà nước: trên 1,1 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BT trên 40 tỷ đồng. Phương thức thu hồi vốn đầu tư là nhà đầu tư được tạo điều kiện khai thác quỹ đất 15 ngàn m2 ở Khu du lịch nghỉ dưỡng Sơn Long Thuận (giai đoạn 2) tại phường Mỹ Hải, thành phố Phan Rang –Tháp Chàm. Sau khi tuyến đường được đầu tư mở rộng sẽ kết nối giữa trung tâm đô thị cũ và đường ven biển, tạo bộ mặt mới cho thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, đồng thời, tạo quỹ đất đô thị để xây dựng các khu dân cư – khu đô thị mới ven biển.
Thực tế cho thấy, việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn nên việc cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn. Nếu chỉ sử dụng nguồn vốn ngân sách sẽ không thể đáp ứng yêu cầu phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà. Chính vì thế hình thức đầu tư BT cho lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, xã hội được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm, ưu tiên, khuyến khích. Giữa tháng 11/2015, Tỉnh ủy đã cho chủ trương thực hiện 06 dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT gồm: dự án tuyến đường Minh Mạng, phường Đô Vinh; dự án tuyến đường Yên Ninh ra biển và hệ thống vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật đường Yên Ninh; dự án tuyến đường Trần Nhân Tông thuộc khu quy hoạch Đông Bắc; dự án tuyến đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn; dự án tuyến đường N9 thuộc khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú và dự án tuyến đường Phan Bội Châu, phường Mỹ Bình.
Có thể nói, giải pháp đầu tư xây dựng công trình giao thông theo các phương thức này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Góp phần nhanh chóng cải tạo, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường quan trọng; xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh được đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Những công trình giao thông không chỉ tạo động lực để thành phố Phan Rang - Tháp Chàm phát triển kinh tế - xã hội mà còn mở ra một cơ hội mới, thu hút nhiều nhà đầu tư khai thác quỹ đất dọc các tuyến đường để phát triển đô thị và làm tăng nguồn thu từ quỹ đất cho thành phố nói riêng và tỉnh nhà nói chung. Giao thông phát triển, hình thành nên những khu đô thị mới, tạo động lực thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn và nguồn vốn đầu tư ngày càng hạn hẹp, đầu tư theo hình thức BT đã góp phần quan trọng vào hoàn chỉnh các trục giao thông đô thị, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà ngày một phát triển.