24 người đang online
°

Bộ phận một cửa các cấp phải trở thành trung tâm chuyển đổi số

Đăng ngày 21 - 04 - 2022
Lượt xem: 51
100%

Để góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, bộ phận một cửa các cấp phải trở thành trung tâm chuyển đổi số, phục vụ người dân tốt hơn.

 

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Hoàng Giang
Ngày 13/12, Văn phòng Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn một số nội dung tại Quyết định số 468/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính” và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) Ngô Hải Phan cho biết, với quan điểm Chính phủ phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 61/2018/NĐ-CP về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.

Nghị định 61 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng tại các bộ, cơ quan ngang bộ thay vì chỉ ở địa phương như trước đây; hoàn thiện các quy định về tổ chức, hoạt động của bộ phận một cửa các cấp; quy định rõ toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính.

Đến nay, đã có 59 địa phương tổ chức trung tâm hành chính công; 100% bộ ngành, địa phương đã kiện toàn hệ thống một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Chất lượng giải quyết hồ sơ đã có sự cải thiện rõ rệt, hầu hết các địa phương tỉ lệ giải quyết đúng hạn từ 90% trở lên.

“Đây là con số theo báo cáo tự đánh giá của các bộ ngành, địa phương, còn theo Hệ thống theo dõi đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính dựa trên dữ liệu và thời gian thực có sự thay đổi. Phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) vẫn chủ yếu theo phương thức truyền thống, hồ sơ giấy”, ông Ngô Hải Phan nhận định.

Ngoài ra, việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, hồ sơ, giấy tờ trong thực hiện TTHC tại bộ phận một cửa các cấp trên cơ sở kết nối chia sẻ dữ liệu của các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Hệ thống Một cửa điện tử để sử dụng lại các hồ sơ, giấy tờ điện tử, giảm các thủ tục kiểm tra, xác nhận… chưa được thực hiện.

Việc thực hiện cơ chế một cửa liên thông mới chủ yếu đơn thuần xử lý theo hướng thống nhất đầu mối, quy trình phối hợp thực hiện giữa các cơ quan. Quy trình phối hợp này chủ yếu vẫn theo phương thức thủ công thông qua gửi nhận hồ sơ giấy mà chưa tính đến việc ứng dụng CNTT, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống giúp giảm thời gian, chi phí, tăng năng suất lao động.

Việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC và đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đã được triển khai, tuy nhiên, chưa thật sự kịp thời cung cấp thông tin cho chỉ đạo, điều hành, nhất là xử lý kịp thời hạn chế, bất cập, các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực…

 

 

Hội nghị tập huấn được phát trực tuyến tới 600 điểm cầu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Đẩy mạnh chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, tạo thuận lợi cho người dân

Trước thực trạng này, ngày 27/3/2021, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”.

Theo ông Ngô Hải Phan, Quyết định số 468 có các nội dung đổi mới đó là: Gắn kết việc số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC với quá trình tiếp nhận, xử lý TTHC tại bộ phận một cửa, tạo cơ sở hình thành dữ liệu sống, sạch, đủ và chính xác; Đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ việc đơn giản hoá trong chuẩn bị, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đồng thời, mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng CNTT trong thực hiện cơ chế cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Nâng cao tính chủ động trong đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận một cửa.

Để hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đổi mới theo Quyết định số 468 thống nhất, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP.

Nghị định 107 nhằm góp phần cải cách TTHC, đổi mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả việc tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện trong tất cả các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC.

Ông Ngô Hải Phan đề nghị, sau Hội nghị tập huấn, các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng đầu bài để nâng cấp hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu đổi mới. VPCP sẽ luôn đồng hành với các bộ ngành, địa phương để triển khai thành công Nghị định 107 và Quyết định 468.

“Quyết tâm trong nhiệm kỳ Chính phủ này, chúng ta hoàn thành mục tiêu, yêu cầu mà Quyết định 468 đề ra. Các bộ phận một cửa các cấp phải trở thành trung tâm chuyển đổi số phục vụ người dân tốt hơn. Tính công khai, minh bạch, vấn đề trách nhiệm giải trình, trách nhiệm cá nhân sẽ được cụ thể hóa đối với từng cán bộ, công chức trong thời gian tới”, ông Ngô Hải Phan nhấn mạnh.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thủ tướng: Thanh niên cần thực hiện “5 xung kích”, “6 khát vọng”, làm chủ công cuộc chuyển đổi số(27/03/2024 9:02 SA)

Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số(22/03/2024 4:19 CH)

Tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số(19/03/2024 3:54 CH)

AI định hình tương lai ngành xây dựng tại Malaysia(18/03/2024 8:07 SA)

Chuyển đổi số “là công cụ hỗ trợ đắc lực” của bất động sản xanh(18/03/2024 7:57 SA)